Để trả lời câu hỏi này, Blog Game hóa sẽ sử dụng mô hình phân tích game hóa Octalysis để giải mã một nền tảng không phải là trò chơi mà vẫn thu hút hàng triệu người dùng. Cụ thể chúng ta sẽ đi phân tích Facebook qua 8 động lực cốt lõi (Core Drive - CD)
Nhìn chung, Facebook sở hữu đồng đều phần lớn các CD, nhờ đó mà tạo nên sức hút của nó ngày nay. Bản chất của Facebook được hội tụ vào CD5: Ảnh hưởng xã hội & Khả năng liên hệ. Người dùng được kết nối với nhiều người khác để chia sẻ các trải nghiệm cá nhân và theo dõi. mọi người đang làm gì.
Thêm vào đó, trải nghiệm người dùng có một lượng tương đối lớn của CD7: Tính khó lường & Cảm giác tò mò. Đó là mỗi khi dùng Facebook, chúng ta đều không biết sẽ có gì xuất hiện trên tường (NewsFeed) và phần thưởng khi mở ứng dụng là một lượng lớn các thông tin mới lạ và phong phú xuất hiện trước mắt. Ngoài ra, việc chúng ta kéo thả để tải lại trang (refresh), cũng gây nghiện như việc chơi máy đánh bạc (slot machine). Mỗi lần kéo như vậy, người dùng nhận lại phần thưởng là thông tin thú vị và mới hơn, nếu không “thắng” thì lại kéo tiếp và tự nhủ lần sau sẽ may mắn hơn.
Tiếp đến có sự hiện diện khá rõ của CD4: Chủ quyền & Sở hữu. Một trong những tính năng cơ bản của Facebook đó là lưu lại và sắp xếp bộ sưu tập ảnh cá nhân. Cũng qua đây người dùng coi trang cá nhân (profile) như một danh tính thứ 2, một nơi thể hiện bản sắc và cá tính. Nó tạo thành một vòng lặp tự củng cố lẫn nhau: người dùng sẽ lại càng cảm nhận mạnh hơn quyền sở hữu trang cá nhân và lại càng muốn cải thiện và cập nhật “danh tính” này nhiều hơn.
Đối với một số người, thì mục đích họ lên Facebook không phải làm đẹp hồ sơ bản thân mà chỉ đơn giản chia sẻ nội dung hài hước hoặc sáng tạo (của chính họ hoặc người khác) để nhận nhiều lượt thích. Đây chính là đặc điểm của CD3: Khuyến khích sáng tạo & Phản hồi. Phần phản hồi này không thể thiếu trong trải nghiệm, sẽ là cực hình khi chúng ta đăng một thứ gì đó hay ho lên mà không nhận được tương tác.
Và khi một người đi du lịch tới Châu Âu đăng ảnh cập nhật hình ảnh của mình và nhận hàng trăm lượt thích từ bạn bè, họ sẽ cảm nhận mạnh mẽ CD2: Phát triển & Thành tựu khi nhìn lại.
Cũng chính vì những thành tựu, những kỉ niệm và thời gian chúng ta “đầu tư” mà việc từ bỏ Facebook tương đương với từ bỏ những thứ này trở thành một thử thách lớn. Chúng ta vô tình bị kẹt lại trong vòng lặp và tiếp tục “đầu tư” cho Facebook khi đã đi được một quãng đường dài như vậy. Nói cách khác, càng dùng lâu sẽ càng khó bỏ, đây hệ quả của CD8: Mất mát & Né tránh.
Trong quá khứ, Facebook đã từng có CD6: Độ hiếm & Cảm giác nôn nóng. Đó là khi mới thành lập, Facebook thực chất chỉ dành cho sinh viên Harvard dưới hình thức là một cộng đồng trí thức và tinh hoa của Mỹ. Tuy nhiên, khi Facebook mở rộng cho tất cả mọi người thì CD6 đã mất đi.
Qua đây, chúng ta có thể thấy từ trước đến nay Facebook sở hữu tất cả các động lực cốt lõi thu hút mạnh mẽ người dùng trừ CD1: Mục đích & Nghĩa vụ cao cả. Những người phản đối Facebook thường cho rằng nó tốn thời gian và phân tán mọi người khỏi những việc lớn lao, quan trọng hơn. Quả thật, nếu Facebook có thể tận dụng nền tảng quyền năng của họ để thúc đẩy người dùng làm những hoạt động ý nghĩa, đóng góp cho xã hội, thì chắc chắn sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
Sách tham khảo: Actionable Gamification: Beyond Points, Badges, and Leaderboards - Yu-Kai Chou