4 ý tưởng Game hóa ứng dụng Fintech giúp nâng cấp trải nghiệm người dùng của bạn
Tìm hiểu cách thiết kế một ứng dụng Fintech giúp việc quản lý tài chính trở nên thú vị hơn.
Khi nghĩ về Game hóa, chúng ta hiếm khi liên tưởng nó với các dịch vụ tài chính. Nhưng sự thật là trong hàng chục năm vừa qua, hiếm có lĩnh vực nào dùng Game hóa mà thu lợi nhiều như ngành tài chính.
Thử nhớ lại nào, ngân hàng bạn đang gửi tiền liệu có đang áp dụng Game hóa không? Có phải họ luôn giới thiệu cho bạn những chương trình kiểu như nếu hoàn thành một số nhiệm vụ thì bạn sẽ có cơ hội mở khóa các phần thưởng như tiền hoàn lại, tiền thưởng và quà tặng? Có phải họ luôn khuyến khích bạn đặt ra các mục tiêu tài chính rồi giúp bạn theo dõi tiến độ tiết kiệm? Tất cả những trò chơi nho nhỏ đó chỉ nhằm phục vụ một mục tiêu duy nhất, đó là tăng cường lòng trung thành của khách hàng, khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ tài chính để nhận được nhiều lợi ích khác nhau.
Như vậy, nghệ thuật Game hóa lâu đời hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng và ngay từ khi sinh ra, nó đã cộng sinh chặt chẽ với lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ngày nay, một ngân hàng theo cách hiểu truyền thống của nó đã được thay thế bằng các phiên bản khác nhau trên thế giới kỹ thuật số, chẳng hạn như ứng dụng ngân hàng di động, ứng dụng tiền điện tử và ứng dụng Fintech. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một số ý tưởng Game hóa ứng dụng Fintech và lý do tại sao chúng lại hữu ích cho bạn.
Game hóa là gì?
Bạn là người mới biết đến Game hóa? Nhìn chung Game hóa là kỹ thuật bổ sung các cơ chế trò chơi vào các sản phẩm không phải là trò chơi. Khi một thương hiệu cố gắng làm cho trải nghiệm người dùng của sản phẩm trở nên thú vị và giải trí - giống như một trò chơi, thì đó chính là cách họ thể hiện lòng quan tâm với khách hàng của mình.
Tại sao Game hóa lại quan trọng?
Tỷ lệ chuyển đổi cao
Một nghiên cứu của Finances Online cho thấy các công ty giới thiệu các tính năng Game hóa trong sản phẩm của họ đã đạt tỷ lệ chuyển đổi lên tới 700%. Từ kinh nghiệm của bản thân tôi khi làm việc với các công ty khởi nghiệp Fintech, Game hóa có thể bổ sung lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của bạn và giúp bạn giữ chân người dùng.
Cải thiện sức khỏe tài chính của người dùng
Game hóa có thể hỗ trợ cải thiện tình hình tài chính của người dùng. Ví dụ, các mục tiêu tài chính như trả nợ thẻ tín dụng hoặc tiết kiệm tiền cho một giao dịch quan trọng có thể đạt được dễ dàng hơn nếu ứng dụng có sẵn một cơ chế trò chơi cho phép người dùng theo dõi tiến độ tài chính của họ, ăn mừng những chiến thắng nhỏ và nhận phần thưởng. Nói cách khác, Game hóa ứng dụng Fintech có thể thúc đẩy mọi người tham gia vào các nhiệm vụ khó khăn và đạt được mục tiêu của họ nhanh hơn.
Sự tham gia và lòng trung thành của người dùng
Những giao dịch thú vị, động lực mạnh mẽ sinh ra từ thanh tiến trình, niềm hứng khởi khi nhận được các huy hiệu hay hình dán ngộ nghĩnh chỉ là một trong số vài thủ thuật vui vẻ để xây dựng lòng trung thành và tăng mức độ tương tác của khách hàng.
Game hóa Ứng dụng Fintech
1. Cho người dùng một hình đại diện
Hình đại diện là yếu tố xã hội phổ biến trong trò chơi. Hãy cho phép người dùng tùy chỉnh hình đại diện của họ với nhiều đặc điểm khác nhau, phù hợp với hình ảnh bản thân và khí chất của họ. Tùy chỉnh là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
Lí do: Người dùng muốn giữ quyền xác thực và độc đáo ngay cả trong thế giới kỹ thuật số. Hình đại diện đáp ứng đầy đủ nhu cầu này, tăng tương tác xã hội và tăng sự hài lòng từ việc sử dụng sản phẩm.
2. Game hóa hướng dẫn sử dụng
Game hóa là một trong những cách hay để cải thiện hiểu biết về tài chính của người dùng. Bằng cách Game hóa quy trình giới thiệu với những hình minh họa bắt mắt, bạn có thể tăng mức độ trung thành của người dùng và giúp mọi người sử dụng tiền bạc hiệu quả hơn cũng như đưa ra các quyết định tài chính hợp lí.
Lí dó: Như đã biết, chúng ta học tốt hơn khi chơi. Game hóa có thể làm cho nội dung giáo dục dễ hiểu hơn, chưa kể tới việc tương tác chạm trên màn hình cảm ứng sẽ giúp mọi thứ thú vị hơn rất nhiều.
3. Thiết kế phần thưởng đa dạng
Nó không chỉ là vấn đề của bênthiết kế sản phẩm mà còn vấn đề của bên tiếp thị. Một chương trình tiếp thị được thiết kế tốt có thể giúp lật ngược thế cờ, giúp sản phẩm đạt được thành công và danh tiếng không ngờ. Thiết kế và tiếp thị sản phẩm có liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy hai nhóm phải cùng đóng góp vào quá trình sáng tạo. Luôn nhớ mọi người bị thu hút bởi phần thưởng. Hãy đặt ra các thử thách phù hợp với nỗ lực và thưởng cho người dùng bằng nhãn dán, huy hiệu, điểm hoặc tiền thưởng.
Lí do: Tương tác với một sản phẩm để nhận phần thưởng (như trong mô hình trò chơi P2E - chơi để kiếm tiền) tạo ra cảm giác mãn nguyện gây nghiện, thúc đẩy người dùng thực hiện các thử thách mới và nâng cao kỹ năng của họ. Nó giữ cho người dùng gắn bó và kéo dài thời gian tương tác với sản phẩm.
4. Đặt ra những thử thách cho người dùng
Thử thách không nên quá đơn giản, cũng không được quá phức tạp. Hãy tưởng tượng bạn đang chơi một trò chơi điện tử: nếu nhiệm vụ quá đơn giản, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán; nhưng nếu nó quá phức tạp, nó có thể khiến bất mãn nảy sinh. Vậy nên hãy tạo ra những thử thách có ý nghĩa. Bạn cũng có thể cho phép người dùng tự đặt mục tiêu. Thanh tiến trình và bảng thống kê sẽ giúp ích rất nhiều cho người dùng, giúp họ đi đúng hướng và sớm chạm tới mục tiêu của mình.
Lí do: Bản chất của con người là cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân khiến trò chơi dễ gây nghiện là các nhiệm vụ trong đó thường mang tính thách thức đối với người dùng. Bằng việc theo dõi tiến trình trên đường đạt được mục tiêu, người ta có thêm động lực thúc đẩy chính mình. Cơ chế tâm lý tương tự có thể hoạt động trong các ứng dụng tài chính, thúc đẩy mọi người đạt được mục tiêu tài chính của họ.
Kết luận
Để chọn xem phương pháp Game hóa nào sẽ phù hợp với sản phẩm của bạn, bạn phải hiểu rõ kết quả bạn muốn đạt được và triển khai các chiến dịch Game hóa khác nhau. Mặt khác, không phải trò chơi cứ bắt mắt là sẽ giúp bạn đạt được KPI - nó chỉ khiến người dùng mất tập trung khỏi mục tiêu thực sự của họ mà thôi. Hãy xem xét sở thích và động lực của người dùng mục tiêu để thiết kế ra một trải nghiệm thực sự thu hút. Tôi hy vọng rằng một số ý tưởng Game hóa trên đây sẽ giúp bạn xây dựng một sản phẩm tuyệt vời.
Dịch bởi Trịnh Quỳnh Dung từ uxmag.com