Kiếm tiền từ trò chơi: Vùng đất hứa dành cho những game thủ
Chơi và kiếm tiền (play-and-earn) là một mô hình kiếm tiền đầy hứa hẹn, có khả năng kết hợp hài hòa động lực của nhà phát triển, người chơi và nhà đầu tư.
Dịch lại từ bài viết Game Monetization, The Promise of Play-And-Earn and Harmonizing Incentives được đăng tải tại gamedeveloper.com bởi Trịnh Quỳnh Dung.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn rằng tồn tại một mô hình có khả năng tài trợ cho các trò chơi - cả tài trợ ban đầu lẫn tài trợ phát triển về sau của chúng? Tôi ở đây để công bố một thách thức dành cho các nhà phát triển trò chơi: hãy xây dựng một trò chơi mà ở đó người chơi có thể Chơi để kiếm tiền (play-to-earn) hoặc Chơi và kiếm tiền (play-and-earn).
Axie Infinity trở thành tiêu điểm trên các mặt báo thời gian gần đây vì nhiều lý do: trò chơi định giá cho các mã thông báo, tạo việc làm cho cư dân toàn cầu và làm lợi nhuận gia tăng theo một cách đáng kinh ngạc, vượt qua doanh thu từ cả Ethereum và Bitcoin cộng lại. (hơn 84,9 triệu USD!)
Tôi muốn bỏ qua những bài báo đó và tìm vào bản chất vấn đề: cách những trò chơi kiếm tiền hoạt động, vì sao Chơi để kiếm tiền có thể đóng vai trò như một mô hình kiếm tiền mới, và hình thức kiếm tiền này có thể thay đổi mối quan hệ giữa nhà phát triển và người chơi hay không.
Để tìm ra câu trả lời, tôi sẽ bắt đầu từ việc phân tích ví dụ từ các nền kinh tế trò chơi điện tử khác nhau trong lịch sử. Nhưng trước hết, hãy thiết lập một khuôn khổ để hiểu về cách kiếm tiền từ trò chơi điện tử, thảo luận về Trò chơi miễn phí (free-to-play), Trò chơi trả phí, mua hàng trong ứng dụng, DLC và Chơi để kiếm tiền.
Sau cùng, tôi sẽ viết về cách mô hình Chơi và kiếm tiền có thể dẫn đến sự tương hỗ giữa nhà phát triển và người chơi.
Trò chơi như là hàng hóa
Trò chơi như là hàng hóa cần tiền để duy trì hoạt động - chi phí máy chủ, chi phí thuê kỹ sư và nhà phát triển để xây dựng chúng, v.v. Để hỗ trợ một trò chơi (đặc biệt là trò chơi trực tuyến) thành công vĩnh viễn là rất tốn kém, đặc biệt là những trò chơi có 200 triệu tài khoản người dùng ở thời kỳ đỉnh cao. (Xem Club Penguin.)

Giữ cho trò chơi hoạt động
Các nhà phát triển trò chơi có thể lựa chọn cách kiếm tiền và tài trợ cho trò chơi của họ. Có hai cách là: (1) tài trợ cho sự phát triển ban đầu, (2) tạo ra doanh thu vượt xa chi phí. Như vậy, họ cần tạo ra một trò chơi có thể kiếm tiền.
Tôi xin khẳng định rằng phương thức kiếm tiền trong trò chơi điện tử có thể ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm chơi của người dùng cuối, và tôi sẽ chia nhỏ các dạng thức mà nhà phát triển có thể lựa chọn khi muốn phát triển trò chơi của mình thành trò chơi kiếm tiền.
Có những trò chơi miễn phí để chơi (F2P - free-to-play) và có những trò chơi trả tiền để chơi (P2P - pay-to-play). Chúng tôi định nghĩa miễn phí để chơi là "miễn phí để bắt đầu", trò chơi F2P cung cấp một số cấp độ chơi mà không yêu cầu bất kỳ khoản đầu tư tiền mặt nào từ người chơi. Ngược lại, một trò chơi P2P đòi hỏi bạn phải đầu tư trước để tham gia một cách có ý nghĩa vào trò chơi. Ranh giới giữa F2P và P2P đã mờ nhạt trong những năm gần đây, nhưng sự phân biệt này đủ rõ ràng cho mục đích của chúng tôi.
Trò chơi miễn phí
Trò chơi miễn phí có nghĩa là: bạn không cần đầu tư tiền mặt trả trước để bắt đầu chơi trò chơi.
Việc tham gia chơi có thể bao gồm việc đăng ký tài khoản, tải ứng dụng xuống điện thoại hoặc thậm chí chỉ cần truy cập trang web có danh mục trò chơi (ví dụ: itch.io).
Trò chơi F2P có thể kiếm tiền theo nhiều cách - tài trợ, quảng cáo và nổi tiếng nhất là mua hàng trong ứng dụng như đồ trang trí hoặc vật phẩm hỗ trợ có ảnh hưởng đến trò chơi.
Thách thức: Quảng cáo có thể phá vỡ trạng thái Dòng chảy (flow) và khiến người chơi hụt hẫng. Quảng cáo có tặng thưởng giúp giải quyết tốt hơn sự bất hòa này, nhưng vẫn làm ảnh hưởng tới thời gian chơi. Các mặt hàng trang trí hay vật phẩm bổ sung thì gần như không hỗ trợ được gì nhiều cho sự phát triển của trò chơi, bởi mọi game thủ đều quen thuộc với cụm từ này: pay-to-win.
Trò chơi trả phí
Trò chơi trả phí là trò chơi mà bạn cần trả tiền trước để tham gia.
Khi muốn chơi những trò chơi này, bạn cần truy cập GameStop để mua The Witcher 3 với giá 18,99 đô hoặc mua Minecraft từ Microsoft Store với giá 19,99 đô hoặc tải xuống Stardew Valley trên iPhone với giá 7,99 đô.
Bạn cũng có thể mua và sau đó trả tiền đăng ký để tiếp tục chơi trò chơi, như World of Warcraft. Đúng vậy, trò chơi này có doanh thu hơn 9 tỷ USD tính đến năm 2017. Bạn có thể xem thêm WoW trong các bài viết khác!
Thách thức của việc kiếm tiền
Cả hai dạng trò chơi miễn phí và trả phí đều có thể chứa trong mình nhiều tính năng kiếm tiền: trò chơi miễn phí có thể mở đầu miễn phí rồi cho phép đăng ký thành viên cao cấp sau (Runescape) hoặc trả phí một lần để có nhiều nội dung hơn (BattleOn). Hoặc trò chơi có thể yêu cầu bạn xem quảng cáo (bất kỳ trò chơi nào trên điện thoại của bạn) và cho phép bạn mua vật phẩm trang trí (DotA 2, League of Legends).
Mua hàng trong ứng dụng
Giao dịch vi mô tồn tại dưới rất nhiều hình thức.
Từ chối quyền truy cập vào trò chơi: Bạn chơi một trò chơi và một cửa sổ bật lên: "Tệ quá, bạn hết năng lượng rồi. Bạn muốn trả 1,99 đô để tiếp tục chơi không?"
Vật phẩm trang trí: Dưới đây là một số món đồ giúp bạn trông có vẻ sành điệu hơn những người chơi khác. Và về cơ bản bạn phải trả tiền để có được chúng.
Vật phẩm hỗ trợ: Dưới đây là một số vật phẩm giúp bạn mạnh hơn và nhanh hơn những người chơi khác.
Và còn nhiều hơn thế nữa.
Tôi tin rằng nếu chúng ta ngừng hỏi câu "làm sao để kiếm nhiều tiền nhất từ người chơi?", chúng ta sẽ khám phá ra các phương thức kiếm tiền mới giúp (1) cải thiện cộng đồng trò chơi và (2) hỗ trợ phát triển trò chơi. Tôi tin rằng việc chỉ kiếm tiền qua IAP / giao dịch vi mô là phương pháp làm xói mòn lòng tin của người chơi nhanh nhất và dễ nhất theo thời gian.
Ngay cả vật phẩm trang trí cũng không tránh khỏi sự thù địch trong với các giao dịch vi mô. NPR đã viết bài này vào tháng 3, với một cái nhìn sâu sắc:
Các giao dịch vi mô không chỉ là nâng cấp về thẩm mỹ; về cơ bản, chúng quan trọng đối với lối chơi thực tế. Tiến sĩ Ellen Evers, giáo sư tiếp thị tại Đại học California, Berkeley, người nghiên cứu các giao dịch vi mô, nói rằng điều đó có thể làm mất đi sự kỳ diệu của trò chơi điện tử.
"Giả định ngầm là bằng cách chơi trò chơi và xây dựng nhân vật, bạn sẽ trở nên tốt hơn," Evers nói. "Mà các giao dịch vi mô làm cho trò chơi trở nên dễ dàng hơn. Như thế là vi phạm quy tắc và chuẩn mực vốn là một phần của trò chơi."
Vòng tròn ma thuật của trò chơi bị vi phạm khi bạn tập trung quá nhiều vào giả định đó, khiến người chơi mất đi hứng thú. Các giao dịch vi mô không quá khủng khiếp, nhưng các nhà phát triển trò chơi phải rất cẩn thận khi sử dụng chúng.
Chống lại sự bất hòa
Với những mô hình hiện có, các nhà phát triển sẽ phải đi trên một con đường đầy chông gai. Khi họ phát triển trò chơi, bất kỳ tính năng nào cũng phải phục vụ doanh thu cuối cùng. Kinh tế học yêu cầu trò chơi phải hoạt động theo cách đó. Hãy tăng LTV, hãy giảm CAC. Tìm cách kiếm tiền từ thời gian và tài nguyên của chúng tôi để phát triển trò chơi. Mà có vẻ như niềm vui và sự bền vững thì luôn di chuyển theo hai hướng đối lập.
Chẳng biết từ khi nào, người chơi bắt đầu thấy sợ những trò chơi kiếm tiền (quảng cáo) hoặc chỉ đơn thuần thỏa hiệp (tôi có thể chơi Clash Royale và thỉnh thoảng phải đối đầu với những kẻ thù khó chơi. Miễn chơi được là được). Tương tự như vậy, khi chơi trò chơi, người chơi có thể nảy sinh cảm giác là trò chơi đang nhắm tới ví tiền của họ chứ không phải giúp họ có được niềm vui. (tôi chơi để giảm stress vì công việc, không phải tăng nó lên vì áp lực tài chính).
Tuy nhiên, việc nhìn lại quá khứ cho phép chúng ta đánh giá lại các giá trị: đó là cơ hội cho các nhà thiết kế mở đường cho nền kinh tế trò chơi, cho phép người dùng có kỹ năng kiếm được "việc nhẹ lương cao", người dùng càng chơi nhiều thì giá trị họ tích lũy được càng lớn. Đó sẽ là công việc có thể giúp họ "mua bỉm sữa cho con, mua sơ mi để đi phỏng vấn xin việc".
Mô hình Chơi để kiếm tiền / Chơi và kiếm tiền có thể giúp giải quyết những bất hòa và căng thẳng đó. Xây dựng trải nghiệm Chơi để kiếm tiền có nghĩa là mang lại cho mọi người "công việc trong metaverse" và do đó, chơi có thể trở thành một khoản đầu tư nhiều hơn và ít tốn kém hơn. Hay quá ha?
Cách tạo ra tiền từ "việc nhẹ lương cao"
Trong World of Warcraft, có nhiều cách để người chơi kiếm vàng. Trên thực tế, có hẳn một trang web hướng dẫn bạn làm sao để kiếm được nhiều vàng hơn! Giết từng con quái vật một là một trong những cách làm chậm nhất và tệ nhất.
Hãy nói về những cách mọi người hay kiếm vàng trong World of Warcraft.
Kiếm các vật phẩm cụ thể (Liên kết với Vật phẩm trang bị hoặc Vật nuôi bán chạy).
Cày mob AoE (tiêu diệt các nhóm quái vật cùng một lúc).
Làm chủ Nhà đấu giá (trở thành thương nhân, mua và bán vật phẩm cho những người chơi khác).
Cày thuê (trả cho tôi 50k vàng và tôi sẽ đưa bạn vào một nhóm để giết con trùm này cho bạn)
Cá nhân tôi thích cách cuối cùng nhất. Tôi có những kỷ niệm khó phai mờ về Wrath of the Lich King, nơi tôi tiến hành các cuộc tấn công gồm 25 người với những người chơi giỏi mà tôi đã gặp trên máy chủ của mình (Dath’Remar, Alliance). Cho đến cuối bản mở rộng, đội hình của chúng tôi đã gần như hoàn chỉnh và có nhiều tài khoản thay thế (alts) để đột kích. Vì vậy, chúng tôi đã chạy GDKP.
Chúng tôi nhận 15 người chơi có trang bị và 10 người chơi kém hơn một chút. Những người chơi không có trang bị sẽ phải cam kết trả 20.000 vàng. Bất cứ khi nào trang bị rơi khỏi trùm, chúng tôi sẽ đấu giá từng vật phẩm để lấy vàng. Vào cuối cuộc đột kích, toàn bộ số tiền sẽ được phân phối cho tất cả người chơi.
Hệ thống tự tổ chức và mạng lưới pháp lí đã hoạt động trong các trò chơi như World of Warcraft, vì vậy tôi tin rằng chúng cũng có thể hoạt động trong Metaverse. Trên thực tế, nó có thể hoạt động tốt hơn: người ta có thể viết một hợp đồng thông minh tự động hóa quy trình, bạn thậm chí sẽ không cần phải đặt lòng tin vào một thủ lĩnh nào đó để phân phối số vàng kiếm chung nữa.
Và sau đó, bạn có thể lặp lại quá trình này, giống như Matthew làm trong For the Win, với tám trò chơi đồng thời của Svartalfaheim Warriors (MMO hư cấu). Nếu điều đó thành hiệu thực, nó sẽ dạy cho cả một thế hệ người cách viết bot để chơi những trò chơi đó và kết quả có thể không tệ như bạn tươnge.
Chơi để Kiếm tiền
Mô hình Chơi để kiếm tiền (play-to-earn) có nền kinh tế kỹ thuật số phức tạp, giống như World of Warcraft. Có nhiều cách khác nhau để kiếm và sử dụng tiền tệ trong trò chơi. Người chơi làm việc để kiếm "chiến lợi phẩm" và phát triển giá trị của nó. Câu hỏi đặt ra là: giá trị đó có thể thanh toán hóa đơn ngoài đời thực của họ không?
Trong một bài viết khác trong tương lai, chúng ta có thể đi sâu hơn vào hiện tượng Axie Infinity và cách nền kinh tế ảo trong trò chơi hoạt động, mang lại trải nghiệm chơi để kiếm tiền hấp dẫn. Nhưng ở đây, tôi tin bạn có thể hiểu rõ tác động tiềm tàng của việc phát triển trải nghiệm Chơi để kiếm tiền khi xem tài liệu dài 18 phút này.
Một số trích dẫn nổi bật:
"Thoạt đầu, trò chơi có vẻ dễ dàng vì trông Axie khá dễ thương… Nhưng khi bạn tham gia trò chơi, bạn sẽ thấy nó giống như chơi cờ vua. Đó là chiến lược."
"(Chơi Axie Infinity) là sở thích của anh ấy. Ngay cả khi anh ấy thua, anh ấy vẫn sẽ chơi dù không nhận được gì." - Lola Vergie, 65 tuổi, nói về người bạn đời của mình, Lolo Silverio, 75 tuổi
"(Đại dịch) đã phá hủy rất nhiều công việc và trong nhiều trường hợp là xóa bỏ nghề nghiệp đó vĩnh viễn… Chúng tôi ở đây để đối phó với sự thay đổi cơ bản trong bản chất công việc." - Gabby Dizon, Đồng sáng lập Yield Guild Games (YGG). Yield Guild Games đã huy động được 12,5 triệu USD trong một đợt bán token công khai.
"(Với Chơi để kiếm tiền), mọi người có cơ hội chơi, đó là những gì họ thích làm và họ có cơ hội kiếm tiền từ việc sử dụng kỹ năng và thời gian của mình cho các trò chơi để kiếm sống." - Anil Lulla, Giám đốc điều hành tại Delphi Digital, một công ty tư vấn blockchain có trụ sở tại New York.
"Các trò chơi dựa trên tiền điện tử thuộc sở hữu của cộng đồng. Mọi người trong cộng đồng được chia sẻ doanh thu và những lợi ích vượt trội có nghĩa là những người tham gia, những người chơi, có cơ hội chơi để kiếm tiền." - Mark Cuban.
Xây dựng một trò chơi với tính năng Chơi để kiếm tiền có nghĩa là mang lại cho người chơi cộng đồng lớn hơn và cho phép họ hưởng lợi từ sự phát triển của trò chơi. Đó là sự liên kết được khuyến khích. Các nhà phát triển sẽ phải hạ thấp tường bao quanh các tài sản kỹ thuật số trong các nền kinh tế trò chơi này. Họ phải thừa nhận thị trường xám và phải làm cho mọi thứ trở nên minh bạch. Sau đó, họ có thể nói, này, chúng tôi cũng muốn cắt giảm các giao dịch đó - để tạo thuận lợi cho các giao dịch sau. Đó là cơ hội để thừa nhận sự bất hòa mà người chơi cảm thấy khi chơi trò chơi và giải quyết nó bằng cách biến nó thành một phần của trò chơi.
Khi các nhà phát triển thiết kế các trò chơi mà tính chất đầu tiên là "chơi để kiếm tiền", nó sẽ không giống như một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum) giữa nhà phát triển và người chơi. Bạn không thể dựa vào cơ chế chơi để kiếm tiền mãi, bạn phải làm việc cùng với người chơi để tạo ra giá trị mới.
Chơi và Kiếm tiền
Tôi cũng sẽ nhân cơ hội này để thảo luận về Chơi để kiếm tiền (play-to-earn) so với Chơi và kiếm tiền (play-and-earn).
Chơi để kiếm tiền nhắc nhở người chơi rằng họ chơi để kiếm tiền, điều này có thể gây khó chịu; nó biến trò chơi thành một nông trại và người chơi thành những nông dân, làm việc quần quật để kiếm vàng.
Trong khi đó, Chơi và kiếm tiền tìm kiếm mối quan hệ hợp tác giữa việc chơi và việc kiếm tiền. Chúng là hai hoạt động bình đẳng. Chơi là để tận hưởng và cũng kiếm được tiền bằng giá trị bạn tạo ra khi chơi.
Tôi tìm thấy thuật ngữ "chơi và kiếm tiền" trong Guild of Guardians, một trò chơi nhập vai blockchain di động được xuất bản bởi Immutable. Họ dự định ra mắt vào năm 2022 hoặc 2023.
Thách thức của các nhà thiết kế trò chơi khi xây dựng mô hình Chơi để kiếm tiền (play-to-earn) hoặc Chơi và kiếm tiền (play-and-earn) là hình thành nhận thức của người chơi về tiện ích của trò chơi. Các nhà thiết kế phải thể hiện rõ giá trị mà trò chơi mang lại ngoài tính giải trí, không phải thông qua lời nói, mà là cơ chế trò chơi và thiết kế nền kinh tế trò chơi.
Chơi và kiếm tiền tự nó vừa là thời cơ vừa là thách thức. Việc cho phép người chơi kiếm tiền có thể thêm một thứ nguyên khác vào trò chơi cũng như một mức độ động lực tương ứng. Bởi để trở nên thực sự, thực sự giỏi rồi kiếm tiền từ một thứ gì đó, bạn phải tham gia vào một quá trình thử thách liên tục.
Giờ đây, tôi sẽ không tuyên bố rằng Chơi để kiếm tiền (P2E) hay Chơi và kiếm tiền (P&E) sẽ thay thế việc kiếm tiền thông qua giao dịch vi mô hoặc các hình thức kiếm tiền khác. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rằng động cơ và thậm chí cả nghĩa vụ tham gia của các mô hình cũ sẽ bị giảm bớt đối với các trò chơi điện tử như vậy, bởi có những cách mới để tạo ra giá trị cho cả hai.