Lớp học Cảm thụ Game 2025
Lời mời bạn tham dự một lớp học hoàn toàn mới của tôi trong năm 2025 này
Chào bạn!
Cũng đã khá lâu rồi từ lần cập nhật cuối cùng của Blog Game hóa. Nhưng hôm nay tôi thực sự rất vui, vì cuối cùng cũng đã có thể công bố với mọi người về một kế hoạch mới của mình, đó là một lớp học về đề tài “cảm thụ game”, với tên gọi chính thức là Lớp học Cảm thụ Điện tử. Trong lớp học này, tôi xin phép sẽ được chia sẻ với các bạn học tất cả những kiến thức mà tôi đã học được, đọc được và làm được trong hơn 10 năm nghiên cứu và làm việc trong ngành game của mình.
Lớp học sẽ có gì?
Lớp học sẽ cung cấp cho người học những kiến thức lý thuyết cơ bản nhất để hiểu được ngôn ngữ và cách vận hành của game, qua đó:
Giúp người học có được cái nhìn sâu sắc hơn để nhìn nhận, đánh giá game (VD: cái gì hay/dở, tại sao hay dở, làm gì để hay), nhằm đem lại nhiều giá trị hơn từ hoạt động chơi game của mình.
Giúp người học có cơ sở để hiểu về bản chất và tiềm năng của game một cách rõ ràng hơn từ góc độ sản phẩm, góc độ của ngành công nghiệp, cho đến góc độ của nền văn hóa.
Các kiến thức của lớp học Cảm tình Điện tử sẽ là nền tảng cho lớp học Sáng tác Game trong tương lai mà tôi đang trong quá trình phát triển. Nếu bạn quan tâm đến Game như một bộ môn sáng tác, thì các kiến thức ở lớp Cảm tình Điện tử cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Nội dung lớp học
Các nội dung dự kiến của lớp học bao gồm:
Buổi 1: Trải nghiệm Game được tạo ra từ ngữ cảnh
Buổi 2: Ngôn ngữ của Game
Buổi 3: Phê bình Game
Buổi 4: Các hình thức kiếm tiền (Monetization) trong Game
Buổi 5: Tổng quan về ngành công nghiệp Game
Buổi 6: Vai trò nghệ thuật của Game
Buổi 7(?): Thảo luận tự do
Đối tượng học
Cảm tình Điện tử là lớp học với đối tượng người học đa dạng, có thể kể đến:
Những người chơi Game và tâm huyết với Game, muốn hiểu hơn về những sản phẩm yêu thích của mình, và rút ra được nhiều giá trị từ việc chơi Game.
Những người làm phát triển Game, muốn hiểu hơn về những sản phẩm mình đang làm với tư cách một loại hình, mà thực tế công việc chưa thể đáp ứng đủ điều kiện để có cái nhìn tổng quát.
Những người làm về báo chí, truyền thông về Game, muốn có thêm các công cụ để đánh giá và phê bình Game một cách sâu sắc hơn (thay vì đánh giá dựa trên các khía cạnh kỹ thuật tách lẻ như Gameplay, Đồ họa, Âm Thanh, Cốt truyện v.v.)
Những người có hứng thú hoặc đang hoạt động trong môi trường văn hóa - nghệ thuật, muốn hiểu thêm về một loại hình mới, mà đâu đó thi thoảng được gọi là “môn nghệ thuật thứ tám” này.
Rất mong có thể chia sẻ các kiến thức cũng như trao đổi về Game cùng với các bạn quan tâm thông qua lớp học này. Các thông tin chi tiết và hướng dẫn đăng ký sẽ ở button bên dưới hoặc ở link này nhé. Hẹn gặp các bạn!
Về giảng viên
Giảng viên Hùng Vũ đã có 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong ngành Game trong nhiều những dự án và vai trò khác nhau. Có kinh nghiệm 3 năm nghiên cứu, tư vấn và triển khai Game & Gamification Design. Dịch giả của một số đầu sách cổ điển về thiết kế Game tại Việt Nam như Nghệ thuật thiết kế Game của Jesse Schell và Thiết kế Game nâng cao của Michael Sellers.