Sự quy tụ của các hệ máy
Và hệ quả của chúng đối với các nhà phát triển và thiết kế game.
Trong lớp Cảm thụ, chúng tôi có đưa ra một nhận định về sự quy tụ của các hệ máy chơi game vốn xưa nay "nước sông không phạm nước giếng". Và quả đúng là, trong những năm gần đây, xu hướng này đã thể hiện ngày càng rõ nét trên cả ba tầng: phần cứng, phần mềm và hành vi người dùng. Khi các thiết bị tưởng chừng khác biệt, từ PC, console cho đến smartphone, bắt đầu chia sẻ chung thư viện game, kiến trúc hệ thống và triết lý thiết kế, ta buộc phải nhìn nhận lại cấu trúc ngành game một cách toàn diện hơn.
Nếu đây là một đề tài thú vị khiến bạn quan tâm, hãy tham gia vào lớp học Cảm thụ của chúng tôi nhé!
Ranh giới phần cứng đang mờ đi
Sự phân chia truyền thống giữa các hệ máy chơi game đang dần mất đi tính đặc thù. Thay vào đó, các thiết bị bắt đầu hội tụ về cùng một số đặc điểm kỹ thuật lõi:
Steam Deck, ROG Ally, Lenovo Legion Go đều là các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành PC (Linux hoặc Windows). Chúng không còn phụ thuộc vào hệ sinh thái đóng như các máy console truyền thống, mà truy cập trực tiếp vào thư viện game trên Steam, Epic Games Store hay thậm chí Xbox Game Pass.
iPhone 15 Pro và chip A17 Pro đánh dấu bước ngoặt khi có thể chạy game AAA native, ví dụ Resident Evil 4 Remake hay Death Stranding. Không còn qua cloud, không phải bản mobile rút gọn – mà là trải nghiệm đầy đủ, trên thiết bị di động.
Switch 2 (dự kiến ra mắt 2025) có thể là lần đầu tiên Nintendo đầu tư mạnh vào phần cứng đồ họa cấp cao, với khả năng hỗ trợ DLSS, chạy Unreal Engine 5 và thực thi các game thế hệ trước của PS4 hoặc Xbox One. Điều này kéo Nintendo lại gần hơn với tiêu chuẩn phần cứng phổ thông.
Kết quả: các hệ máy không còn định nghĩa bằng hình thức vật lý nữa, mà bằng ngữ cảnh sử dụng và mức độ di động. PC giờ có thể cầm tay. Mobile giờ mạnh như console. Console thì cố gắng di động hóa (ví dụ: PS Portal).
Phần mềm: Thống nhất nền tảng & Hành vi tiêu thụ
Trên tầng phần mềm, quy tụ thể hiện rõ ở việc chuẩn hóa engine, dịch vụ và hành vi tiêu dùng:
Engine đa nền tảng: Unreal Engine, Unity, Godot giờ đều hỗ trợ xuất bản cho mọi nền tảng – không chỉ giúp game studio tiết kiệm chi phí, mà còn buộc các nền tảng phần cứng phải chấp nhận chuẩn hóa về API, cấu trúc bộ nhớ, tính tương thích.
Tài khoản và tiến trình xuyên nền tảng: Người chơi Genshin Impact, Fortnite, Call of Duty: Warzone có thể chuyển đổi qua lại giữa PC, console và mobile mà không mất dữ liệu. Tài khoản trở thành hạt nhân trung tâm, còn thiết bị chỉ là giao diện.
Sự phổ biến của cloud gaming: GeForce Now, Xbox Cloud Gaming, PS Remote Play... đang dần biến thiết bị đầu cuối thành nơi hiển thị, không còn gánh nặng xử lý. Điều này mở ra khả năng chơi game bom tấn trên TV thông minh, Chromebook hay điện thoại phổ thông.
Hệ quả là "hệ máy" sẽ không còn là đặc tính kỹ thuật, mà trở thành một điểm truy cập vào cùng một hệ sinh thái game. Người dùng lựa chọn không còn theo thông số, mà theo sự tiện lợi, độ liền mạch và giá trị tổng hợp.
Chiến lược của ông lớn: Đa dạng hóa thay vì khóa nền tảng
Các công ty công nghệ và game lớn không còn coi việc "khóa hệ sinh thái" là ưu tiên số một. Thay vào đó, họ chuyển sang chiến lược mở rộng điểm chạm, giữ người dùng bằng dịch vụ và nội dung:
Valve tạo ra Steam Deck để đưa thư viện Steam tới thiết bị di động. Họ không làm hệ điều hành riêng, không cấm store khác – chỉ tối ưu trải nghiệm Steam.
Apple đầu tư nghiêm túc cho gaming trên iOS, không chỉ bằng Apple Arcade mà bằng việc đưa game AAA lên nền tảng native.
Sony đẩy mạnh game lên PC, mua lại studio phát triển cross-platform, và tung ra PlayStation Portal như một cách mở rộng phạm vi chơi game vượt khỏi chiếc PS5.
Microsoft chuyển mình thành nhà cung cấp dịch vụ (Game Pass, Cloud Gaming), cho phép chơi trên mọi nền tảng kể cả Smart TV – không cần Xbox.
Chúng ta đang chứng kiến một cuộc đua về trải nghiệm liền mạch, chứ không phải ưu thế phần cứng. Cạnh tranh không nằm ở thông số, mà ở khả năng giữ chân người chơi trong hệ sinh thái dịch vụ.
Quy tụ là tất yếu
Các hệ máy game đang quy tụ về mặt công nghệ, khả năng tương thích và mô hình tiêu thụ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự đồng hóa.
Nintendo vẫn sẽ làm game của riêng họ, tập trung vào gameplay và thiết bị thân thiện.
Apple vẫn tối ưu hóa sâu giữa phần cứng và hệ điều hành.
Sony vẫn theo đuổi trải nghiệm cinematic, đơn tuyến, chất lượng cao.
Valve vẫn bảo vệ một hệ sinh thái mở, ưu tiên quyền sở hữu thật sự.
Cấu trúc ngành game đang chuyển từ các hệ máy biệt lập sang một mạng lưới chồng lấn, nơi ranh giới giữa các thiết bị trở nên mờ nhạt, nhưng bản sắc thương hiệu và triết lý sản phẩm vẫn là thứ phân biệt rõ ràng.
Trong tương lai, thách thức không phải là tối ưu cho một hệ máy cụ thể, mà là tạo ra trải nghiệm đa nền tảng nhất quán, nhưng vẫn đủ độc đáo để khác biệt. Đây sẽ là yêu cầu sống còn với các game designer và studio, không chỉ trong thiết kế game, mà cả trong thiết kế hệ sinh thái dài hạn.
Vậy thì điều này sẽ có ý nghĩa gì với những người chơi và những người làm game chúng ta ở Việt Nam?
Sự quy tụ của các hệ máy không chỉ là một thay đổi về công nghệ – nó đặt ra một thách thức mang tính chiến lược và triết lý thiết kế đối với mọi game designer. Dưới đây là những chuyển dịch lớn bạn cần lưu ý, cùng với định hướng cụ thể để thích nghi và khai thác cơ hội:
Keep reading with a 7-day free trial
Subscribe to Game hóa to keep reading this post and get 7 days of free access to the full post archives.